Gốm Be Chạch: Quy Trình Làm Gốm Thủ Công Truyền Thống (Cập Nhật 2023)

Gốm Be Chạch: Quy Trình Làm Gốm Thủ Công Truyền Thống (Cập Nhật 2023)

- 23/02/2022 05:22

Nghĩ tới phương pháp làm gốm thủ công, chúng ta sẽ liên tưởng đến  hình ảnh của “chàng gốm" trong bộ phim truyền hình đình đám một thời “Vườn Sao Băng" hay hình ảnh người nghệ nhân Bát Tràng tỉ mỉ với đôi bàn tay điêu luyện làm gốm trên những chiếc bàn xoay. Trên thực tế, đây chỉ là một trong những phương pháp làm gốm thủ công mà thôi. 

Trước khi bàn xoay ra đời, những nghệ nhân làm gốm vẫn tạo ra những tác phẩm tuyệt vời, là sự hoà quyện giữa tính năng và nghệ thuật, chỉ với đất, nước và đôi bàn tay khéo léo. Một trong những kỹ thuật thủ công không thể không nhắc đến đó là be chạch. Hãy cùng Vietclay khám phá phương pháp làm gốm be chạch nhé.

Mục lục

1. Gốm be chạch là gì?

2. Quy trình 5 bước làm gốm be chạch

3. Gốm be chạch FAQs

1. Gốm be chạch là gì?

Be chạch, hiểu một cách dẫn dã là "be" trong "be đất thành bờ", và "chạch" trong "cá chạch" - loài cá giống loài lươn, thân thon dài và trơn. Để tạo nên một bình be chạch, người nghệ nhân phải vê khối đất sét thành những dải nhỏ, sau đó xếp chồng những dải đất này lên nhau theo vòng tròn. Khi mỗi một dải đất được xếp lên, người nghệ nhận sẽ dùng tay miết để chúng kết dính lại với nhau thành một khối. Các dải đất cứ tiếp tục được đắp cao lên, công đoạn miết đất tiếp tục lặp lại cho tới khi tạo thành hình dáng mong muốn của người nghệ nhân.

Có ba kỹ thuật cơ bản làm gốm thủ công đó là Vấu (Pinching), Cuộn Dải (Coiling) và Ép Nối (Slab). Với Vấu, hãy hình dung bạn có một cục đất sét tròn, bạn dùng ngón tay cái nhấn sâu vào giữa để tạo hốc bên trong. Tiếp tiếp tạo hình, chúng ta sẽ có được thành phẩm giống bát ăn cơm, hay chum vại nhỏ.. Trong khi đó, Ép Nối là tạo ép phẳng cục đất ra như cán bột làm bánh, sau đó ta nối các miếng đất phẳng dựng đứng lại với nhau để tạo hình, ví dụ hình ảnh làm một chiếc cốc. Còn cuối cùng là Cuộn Dải, đó là đắp các dải đất lại với nhau theo vòng tròn để tạo dáng. Nghe giống be chạch đúng không? Nhưng khác một chút là với Cuộn Dải, sau khi đắp đất lại với nhau, người thợ còn dùng tay bấu và miết để các khối đất kết dính, với ý đồ lưu lại dấu tay của mình trên gốm, từ đó tạo ra món gốm có hình dáng tự nhiên, thú vị. 

Xem video tóm tắt cách làm gốm be chạch trong 60 giây:

2. Quy trình 5 bước làm gốm be chạch

Bước 1: Thấu Đất - Khâu làm đất

Chuẩn bị và vò đất là công đoạn đầu tiên trong quá trình làm gốm. Loại đất được chọn lựa là đất sét có độ dẻo cao, hạt mịn, và được xử lý để loại bỏ các tạp chất chứa trong nó. Đất sẽ được cắt thành các cục đất nhỏ và được vò thật kỹ để loại bỏ bong bóng khí và các hạt sạn có trong đất. Hiểu nôm na thế này, khi một khối đất không được kết dính, dưới tác động nhiệt đất sẽ giãn nở, và chỉ một vết rạn nhỏ hoặc hạt sạn đâm ra thôi cũng sẽ phá hỏng cấu trúc của bình. Do đó, đất sẽ được thái đi thái lại và vò nhiều lần để tạo độ mịn, dẻo. Bước làm gốm đầu tiên này gọi là thấu đất.

Tips cho các bạn yêu gốm muốn tìm hiểu cách vò đất mà không biết cách bắt đầu từ đâu, mình mách nhỏ hai kỹ thuật có thể tìm được trên Youtube: Vò đất hình xoắn ốc (Spiral Wedging) và hình đầu con trâu (Kneading Clay). Mỗi cách có một cái hay riêng, trong khi xoắn ốc giúp giải quyết được khối lượng đất lớn, thì vò hình con trâu giúp tiết kiệm sức và xử lý nhanh được các khối đất nhỏ hơn. 

Bước 2: Tạo các dải chạch

Nếu được hỏi sao gốm be chạch lại đòi hỏi sự kiên nhẫn và tâm huyết nhiều đến thế, thì việc tạo các dải chạch chính là câu trả lời. Nếu với gốm vuốt tay, nhờ sự trợ giúp của thiết bị máy móc có thể vuốt 30 đến 40 chiếc bình một ngày, thì với be chạch, một người thợ giỏi phải mất thời gian chuẩn bị từng dải đất một trước khi sang bước hình bình. Trung bình một ngày chỉ làm được từ 3-5 bình be chạch.

Bằng cách đặt một khối đất giữa hai lòng bàn tay, người thợ vê khối đất này thành từng dải nhỏ đến khi có đội dài vừa ý. Lúc vê phải đều tay cho dải đất độ rộng đều nhau, tránh chỗ phình to quá, chỗ lại bị ép nhỏ quá. Việc này còn giúp đất được tươi và dẻo, tránh cho các dải đất bị khô, gây đứt gãy trong quá trình tạo hình.

Bước 3: Đắp đất thành bờ

Bước tiếp theo sử dụng kỹ thuật cuộn các dải đất đắp lên thành tường. Đây là kỹ thuật lâu đời dùng để tạo hình đất sét thành các dạng ống trong hàng ngàn năm qua. Kỹ thuật cuộn dải xuất hiện trên khắp các nền văn hóa trên thế giới, bao gồm Châu Phi, Hy Lạp, Trung Quốc và các nền văn hoá của người Mỹ bản địa ở New Mexico. 

Sử dụng kỹ thuật cuộn dải, ta có thể xây dựng được các dạng bình hình trụ có thành dày hơn hoặc cao hơn, điều mà hai kỹ thuật còn lại không thể thực hiện được. Kỹ thuật này cho phép kiểm soát độ chắc chắn của bức tường đất sét mà ta tạo nên, tuỳ ý và linh hoạt bổ sung được các dải đất bên trên thành tường để làm cho bình trông lớn hơn, dù phình ra bên ngoài hoặc thu hẹp vào bên trong, giảm thiểu nguy cơ đổ sập.

Để làm được bước này, người thợ gốm phải sử dụng khối đất dẻo, sau  đó vê đất đến khi tạo thành một dải dài dễ uốn. Bằng cách xếp chồng các “cuộn dây” đất này lên nhau, chúng ta có thể tạo ra các hình dạng khác nhau. Đất sét được sử dụng phải vẫn còn tươi và mềm, để mỗi dải đất có thể được nối liền mạch với nhau dễ dàng chỉ với lực nhấn ép của tay.

“Trong quá trình be chạch, người làm cần cảm nhận được “giấc” của đất (tức đất đã đạt đến độ dẻo hay chưa, phơ có bị khô quá hay ẩm quá không). Biết được “giấc” thì tránh được tối đa những lỗi kỹ thuật như nứt, rịa, cong vênh,.. đặc biệt sản phẩm be chạch rất dễ bị nứt nên người làm càng cần chú ý yếu tố này. Thế mới thấy tầm quan trọng của việc canh “giấc” của đất.

Để biết “giấc” của đất, người làm chỉ có cách duy nhất là tiếp xúc với đất mỗi ngày và cảm nhận đất đã đủ độ chưa, đã đạt tới sự kết dính nhất định để trong quá trình tạo hình, đất sẽ giữ được form dáng chưa? Người có kinh nghiệm lâu năm là người hiểu về đất.“ - Nghệ sĩ Gốm Nguyễn Trường Sơn có chia sẻ

Bước 4: Phơi sấy để khô sản phẩm

Sản phẩm mộc sau khi được tạo hình cần được đem đi phơi khô. Biện pháp tối ưu mà xưa nay người làng Bát Tràng vẫn thường sử dụng là hong khô sản phẩm mộc trên giá và để nơi thoáng mát. Còn tùy thuộc vào môi trường dựa theo độ ẩm và nhiệt độ của từng vùng ảnh hưởng tới quá trình làm khô cốt gốm, nhưng thông thường đất sét có thể mất đến 07 ngày để khô xương. 

Để đẩy nhanh quá trình phơi khô gốm, một số xưởng ở Bát Tràng sử dụng phương pháp sấy trong lò sấy, tăng nhiệt độ từ từ để nước bốc hơi dần. Hoặc, tận dụng  sức nóng sau khi dỡ lò mới, khi lấy thành phẩm ra, những sản phẩm mộc sẽ được đưa vào tranh thủ lúc nhiệt độ của lò còn đang ấm.

Bước 5: Tráng men & nung sản phẩm gốm

"Nhất xương, nhì da, thứ ba đến dạc lò" là câu nói nằm lòng của người làm nghề gốm sứ. “Xương" là chất liệu đất và cách tạo hình của sản phẩm. “Da" là màu nước men và hoạ tiết hoa văn trang trí trên gốm. “Dạc lò" chỉ kỹ thuật nung lò dưới các mức nhiệt lửa khác nhau để tạo nên một sản phẩm gốm hoàn hảo. Sau khi đã tạo hình được xương gốm, hay người ở Bát Tràng hay gọi cái tên dân dã là hàng “phơ", người nghệ nhân sẽ chuyển sang giai đoạn tráng men/trang trí hoạ tiết trước khi thành phẩm được đem đi nung.

Kỹ thuật tráng men gồm nhiều hình thức như dội men, phun men, hay nhúng men đối với các loại gốm có kích thước nhỏ. Sản phẩm gốm còn được tráng thêm một lớp men lót ở mặt trong và mặt ngoài để tạo độ bóng và tránh sự thẩm thấu của nước. Trang trí hoạ tiết là một phần trong quá trình tráng men, có thể có hoặc không tuỳ theo ý đồ của tác giả. Trường hợp sản phẩm cần trang trí hoạ tiết, các thợ vẽ sẽ là người đảm nhận phần lớn về màu sắc và bố cục của sản phẩm. Ở đó, họ sẽ phác hoạ và tô màu chi tiết các vật thể, sau đó dùng kỹ thuật gọi là “lơ" để tạo màu nền đến khi hoàn thiện sản phẩm.

Nung sản phẩm gốm là bước cuối cùng của một sản phẩm gốm. Người nghệ nhân cần “dạc lò", tức là sử dụng kỹ thuật lửa để tạo ra những sản phẩm hoàn hảo. Không ai đếm được đã có tất cả bao nhiêu loại đất, bao nhiêu màu men và bao nhiêu chuyến lò trước khi một dòng sản phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh ra đời. Tận mắt chứng kiến, ta càng thêm cảm phục nỗ lực học hỏi, tìm tòi không ngừng nghỉ để khám phá cách dung hòa giữa xương đất, men và nhiệt của những người nghệ nhân tay lấm đất. Mỗi chuyến lò ra là cả một sự mong chờ, xen lẫn hồi hộp, không biết mẻ lò này có thành công không, và rồi oà lên trong sung sướng nếu sản phẩm ra lò đúng ý tưởng, đẹp và có ý nghĩa. 

Kết: Làm gốm thủ công truyền thống là một hành trình thăng trầm. Để cho ra đời những sản phẩm ý nghĩa và nghệ thuật, các nghệ nhân xưa và nay đã phải thực nghiệm và học hỏi không ngừng trong các công đoạn làm gốm. Tất cả các công đoạn trong quy trình làm gốm đều quan trọng như nhau, chỉ cần một sai sót nhỏ thôi cũng làm hỏng cả một sản phẩm. Nét tinh hoa và ý nghĩa của nghệ thuật làm gốm không chỉ nằm ở vẻ đẹp của thành phẩm cuối cùng, mà nó còn được thể hiện qua sự tỉ mỉ, nhẫn nại, qua kỹ thuật điêu luyện, qua nỗ lực nghiên cứu, tìm tòi của người nghệ nhân để không ngừng cải thiện, không ngừng phát triển. Chúng tôi xin trích dẫn một câu nói của thiền sư Thích Nhất Hạnh để mô tả quá trình làm gốm, đó là “Không có con đường nào dẫn đến hạnh phúc, hạnh phúc là con đường"

3. Gốm be chạch FAQs

⌛  Mất bao lâu để làm được một bình be chạch?

Do hoàn toàn làm thủ công nên thông thường một nghệ nhân chỉ tạo hình được 3-5 bình be chạch một ngày. Bình được hong khô trong vòng 3-5 ngày tiếp theo. Sau khi chuyển từ màu hồng ướt sang màu xương trắng, bình sẽ được mang ra để các thợ vẽ tô điểm lại bình. Cuối cùng bình sẽ được nung và để nguội trong khoảng 3 ngày tiếp theo. Vậy nên, để tạo ra một bình be chạch cần ít nhất 10 ngày, gồm rất nhiều công đoạn và sự phối hợp của rất nhiều người.

🏺Tôi có thể đặt chiếc bình giống hệt chiếc bình gốm be chạch này không?

Dòng sản phẩm be chạch mỗi mẫu chỉ có một bình, Vietclay gọi là gốm độc bản. Do sản phẩm làm hoàn toàn thủ công theo phương pháp be chạch, nước men hoả biến và hoạ tiết vẽ lại lần nữa sẽ khác nhau ở thành phẩm nên Vietclay thường ít khi nhận làm lại chiếc bình thứ hai. Trái lại, đây chính là điểm đặc biệt trong tính chất của dòng gốm Be chạch - gốm độc bản và không thể có chiếc thứ hai.

💫 Ngoài gốm be chạch, còn phương pháp làm gốm nào khác không?

Các phương pháp làm gốm phố biến khác có thể kể đến như là gốm đổ khuôn và làm gốm thủ công trên bàn xoay máy. Gốm đổ khuôn thường được sử dụng để làm hàng đại trà, mức giá phù hợp với phần đông người tiêu dùng Việt, đa dạng mẫu mã nhưng vẫn đảm bảo được các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng. Còn gốm thủ công trên bàn xoay máy được nghệ nhân vuốt cốt gốm trên bàn xoay để tạo ra những hình dạng, bề mặt khác nhau. Vietclay có hơn 200 mẫu bình hoa gốm vuốt tay độc bản, mời bạn ghé website hoặc fanpage của Vietclay để cập nhật những mẫu bình hoa mới nhất.

*Cảm ơn nghệ sĩ gốm Nguyễn Trường Sơn đã cung cấp hình ảnh để Vietclay truyền đạt ý tưởng về phương pháp làm gốm be chạch chân thực nhất.

BÌNH LUẬN CỦA BẠN